Theo Ths.BS Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của Thuốc lá (Bộ Y tế), cải cách hệ thống thuế thuốc lá sẽ giúp đạt được một kịch bản “cùng thắng”, thắng cho sức khỏe cộng đồng và thắng cho nguồn thu thuế, để tái đầu tư vào các ưu tiên của đất nước.
Tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Ths.BS Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của Thuốc lá (Bộ Y tế) đã làm rõ hơn về vai trò, lợi ích, tác động cũng như các biện pháp để tăng thuế thuốc lá hiệu quả.
Thưa Ths.BS Phan Thị Hải, nghiên cứu của WHO cho rằng tăng thuế thuốc lá sẽ giảm tỷ lệ hút, nếu áp dụng tại Việt Nam có đạt hiệu quả không?
– Tăng thuế và giá các sản phẩm thuốc lá là biện pháp đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy biện pháp tăng thuế hiệu quả đóng góp 50% – 60% trong tổng tác động của tất cả các biện pháp giảm sử dụng thuốc lá.
WHO ước tính, việc đánh thuế các sản phẩm thuốc lá để tăng giá bán lẻ thuốc lá lên 10%, có thể làm giảm mức tiêu thụ từ 4% – 5%. Đặc biệt, nhóm thanh thiếu niên nhạy cảm hơn với sự gia tăng giá thuốc lá, do đó, khi giá tăng 10%, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm này có thể giảm tới 10% hoặc hơn.
Bằng chứng từ các nước có chính sách thuế cao cho thấy, việc tăng thuế thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt là trong giới trẻ, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Với những lợi ích trên, thuế thuốc lá được là một biện pháp “cùng thắng”, thắng cho y tế, kinh tế và phát triển bền vững.

Thưa Ths.BS Phan Thị Hải, tăng thuế thuốc lá có tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung không?
– Câu trả lời là không! Tại Việt Nam, một nghiên cứu gần đây chỉ ra, tăng thuế thuốc lá có thể tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm. Nghiên cứu ước tính rằng việc tăng thuế thêm 60% so với mức hiện tại sẽ dẫn đến tăng tổng sản lượng của nền kinh tế (các ngành công nghiệp không thuốc lá) thêm 0,18% và tổng số việc làm (trong các lĩnh vực khác) sẽ tăng 0,24% (tương đương hơn 120.000 việc làm), có khả năng bù đắp nhiều hơn bất kỳ tổn thất nhỏ nào (có thể có) về việc làm trong ngành công nghiệp thuốc lá.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2019 cho thấy, phần lớn dân số và đặc biệt là người nghèo được hưởng lợi khi giá thuốc lá tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tăng thuế đối với thuốc lá có thể làm giảm số lượng người nghèo ở Việt Nam, giảm gánh nặng bệnh tật, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Chính sách này giúp thúc đẩy các nhóm có thu nhập thấp giảm lượng tiêu thụ thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ, đồng thời có khả năng đầu tư thêm nguồn thu thuế vào các chương trình xã hội và y tế, cùng những tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá.
Ngoài ra, một số ý kiến lo ngại rằng việc tăng thuế thuốc lá có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc làm trong ngành sản xuất, phân phối và trồng cây thuốc lá. Tuy nhiên, thực tiễn và các nghiên cứu cho thấy mối lo ngại này không có cơ sở.

Hiện mức thuế đối thuốc lá hiện nay là bao nhiêu, Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đề ra không thưa Ths.BS Phan Thị Hải?
– Mục tiêu cụ thể của Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.
Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ, bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN, ví dụ: Thái Lan là 78.6%, Singapore là 67.1%, Indonesia là 62.3%,..
Theo báo cáo toàn cầu của WHO, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. Giá thuốc lá sau khi đã điều chỉnh lạm phát hầu như không tăng, thậm chí giảm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, với ngay cả nhóm thu nhập thấp và thanh thiếu niên.
Theo Tổ chức Y tế Thế và Ngân hàng Thế giới: Tỷ trọng thuế thuốc lá cần đạt ít nhất 70% – 75% giá bán lẻ. Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%, Việt Nam cần phải tăng thuế ở mức đủ lớn để giá bán lẻ không quá rẻ so với thu nhập bình quân đầu người.
Theo bà, tại sao đến giờ vẫn chưa ban hành mức xử phạt đối với người sử dụng thuốc lá điện tử?
– Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) là đơn vị đầu mối trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 117/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định này, trong đó bổ sung khái niệm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và quy định mức phạt đối với các hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Việc đề xuất mức phạt này nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và trật tự xã hội.Khi các nội dung này được Chính phủ thông qua và ban hành chính thức, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm một cách đồng bộ và hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu các cơ quan chức năng không có hình thức xử phạt thì người sử dụng sẽ trở lại như thường, bà đánh giá sao về quan điểm này?
– Trên thực tế, việc sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay diễn ra ngày càng tinh vi, được trá hình dưới nhiều hình thức, đặc biệt là việc mua bán qua mạng xã hội rất khó kiểm soát. Nếu không có các biện pháp chế tài đủ mạnh và rõ ràng, việc tuyên truyền, vận động sẽ gặp khó khăn để ngăn chặn hiệu quả tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt trong giới trẻ – nhóm đối tượng dễ bị lôi kéo và chịu ảnh hưởng bởi trào lưu, mạng xã hội.
Để công tác PCTH thuốc lá đạt hiệu quả, cần thiết phải kết hợp đồng bộ giữa tuyên truyền – giáo dục và chế tài xử lý vi phạm. Khi chưa có chế tài rõ ràng, người sử dụng sẽ dễ chủ quan, thậm chí tái sử dụng sau một thời gian ngừng. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả của các hoạt động truyền thông mà còn ảnh hưởng đến môi trường học đường, nơi công cộng và sức khỏe cộng đồng.
Chính vì vậy, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng và ban hành khung pháp lý đầy đủ, bao gồm cả quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là ở những nơi cấm hút thuốc. Đây là bước cần thiết để tạo tính răn đe, ngăn ngừa hành vi tái sử dụng và nâng cao hiệu quả quản lý sản phẩm gây hại này.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Ths.BS Phan Thị Hải!
Theo Báo Pháp luật Việt Nam điện tử