Ngày 01/4/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy đã ký ban hành Văn bản số 763/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi.
Theo đó, Văn bản chỉ đạo như sau:
1. Sở Y tế: Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng. Chỉ đạo, kiểm tra các huyện, thành phố tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ 09 tháng tuổi; vắc xin sởi – rubella cho trẻ 18 tháng tuổi bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn.
Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực… tổ chức tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong do mắc bệnh sởi.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo: phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh sởi trong trường học; chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của tiêm phòng vắc xin sởi, vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi, phối hợp tổ chức tốt việc tiêm vắc xin sởi tại các cơ sở giáo dục. Tăng cường truyền thông, vận động gia đình học sinh để tạo sự đồng thuận khi trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học, không để dịch bệnh lây lan trong trường học.
3. Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh – Truyền hình Cao Bằng: Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi, triệu chứng, đường lây truyền, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh sởi, lợi ích của tiêm phòng vắc xin sởi. Đặc biệt tuyên truyền cho những đối tượng nguy cơ cao, trẻ em, người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin sởi cần đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi; các trường hợp có triệu chứng như: sốt, phát ban, viêm long hô hấp cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị – xã hội tỉnh, các Sở, Ban ngành: Phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh sởi tại gia đình và cộng đồng.
5. UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh sởi nói riêng để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân. Tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, nhà cửa, trường học… nhất là vùng có ca bệnh và vùng liên quan. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban ngành liên quan trên địa bàn phối hợp ngành Y tế triển khai đầy đủ các hoạt động đáp ứng khi có ca bệnh, ca nghi bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc xin phòng bệnh sởi nói riêng; tích cực và tuân thủ việc tiêm vắc xin sởi theo hướng dẫn của ngành Y tế để phòng bệnh sởi cho bản thân và cộng đồng.