Home Sức khỏe cộng đồng Trang bị kỹ năng hồi sinh tim phổi cho cộng đồng

Trang bị kỹ năng hồi sinh tim phổi cho cộng đồng

Ngày 5/4, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) tổ chức Chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe có chủ đề “Hướng dẫn kỹ năng hồi sinh tim phổi cho cộng đồng” với sự tham dự của các phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Chương trình.

Chương trình nhằm hướng dẫn kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản trong cộng đồng, với mong muốn nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận và thực hiện được kỹ năng này, qua đó có thể sơ cấp cứu các trường hợp bị bệnh, tai nạn tại cộng đồng một cách kịp thời, hiệu quả.

Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai): Thời gian qua, hình ảnh một điều dưỡng của trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) tiến hành hồi sinh tim phổi, cứu sống một du khách Ấn Độ bị ngừng tuần hoàn tại một quán ăn ở Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng mạng xã hội.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng – Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ thông tin tại chương trình.

Tuy nhiên, nếu hoạt động sơ cứu ban đầu không đúng cách, có thể gây ra mối nguy hiểm không đáng có trong quá trình sơ cấp cấp cứu; nếu sơ cứu đúng cách, có thể cứu được một mạng sống. Cho nên, khi tham gia sơ cấp cứu trong mọi tình huống, mỗi người cần chú ý đến “Tính an toàn-đúng đắn và pháp lý-vấn đề đạo đức”.

Sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường nơi các tình huống xảy ra. Vì vậy, người sơ cấp cứu sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Hầu hết mọi người có thể tham gia từ những người được đào tạo cho đến những người có đầy đủ sự nhiệt tình sẵn sàng tham gia.

Mục đích của sơ cứu nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong trong trường hợp người bị nạn có những tổn thương nghiêm trọng, hạn chế tổn thương thứ phát, tạo điều kiện cho nạn nhân phục hồi nhanh. Vì vậy, muốn làm được điều này, cần hiểu rõ được nguyên lý an toàn khi tham gia sơ cứu tại cộng đồng, nhất là phải thực hiện được các bước sơ cấp cứu tại cộng đồng, ngay cả trường hợp bệnh nhân có rối loạn ý thức, hay ngừng tim thì vẫn phải tuân thủ các bước theo tuần tự trong cách tiếp cận và sơ cứu bệnh nhân ban đầu. Nếu làm được điều đó, sẽ giảm thiểu được tối đa nguy cơ làm tăng nặng của trường hợp người bị nạn hoặc giảm thiểu tối đa được những sai sót do quá nhiệt tình nhưng sự hiểu vừa phải gây ra.

Bác sĩ hướng dẫn kỹ thuật đánh giá ý thức bắt mạch bệnh nhân trong sơ cấp cứu.

Như vậy, nguyên tắc của sơ cấp cứu cần phải tuân thủ các bước như sau: An toàn; không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu; bình tĩnh và luôn cần sự hỗ trợ; hành động thống nhất; đề phòng lây nhiễm (như: đeo găng tay hoặc sử dụng túi ni-lông khi tiếp xúc với vết thương, rửa tay trước và sau khi sơ cứu, xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu).

Về các bước sơ cứu cho bệnh nhân, bác sĩ Ngô Đức Hùng cho biết thêm:

Bước 1: Đánh giá được mức nguy hiểm chung quanh như số lượng nạn nhân, môi trường có nguy hiểm với bản thân mình hay không, có khí độc hoặc có điện giật hoặc có bị rò rỉ điện hay không.

Bước 2: Đánh giá ý thức (hay đánh giá đáp ứng của người bị nạn).

Bước 3: Luôn luôn chú ý đến cột sống trong bất kể trường bệnh nhân nào bị tai nạn nào ngoài cộng đồng. Đặc biệt, các vụ tai nạn có cơ chế đầu di chuyển như trong các vụ tai nạn giao thông, ngã…

Các bác sĩ hướng dẫn kỹ thuật ép lồng ngực bệnh nhân trong quá trình sơ cấp cứu.

Bước 4, luôn luôn chú ý đến nhịp thở, đường thở, mạch để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh nhân ngừng thở, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh nhân hôn mê, dấu phát hiện sớm dấu hiệu mất mạch, ngừng tim để kịp thời thực hiện các động tác hồi sinh tim phổi cơ bản.

PV

Hội khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam
Tạp chí điện tử Kinh tế Y tế
Số 138A Giảng Võ – Ba Đình – Hà Nội
ĐT: 089.996.0000

Email:toasoankinhteyte@gmail.com
Ghi rõ nguồn Tạp chí Kinh tế Y tế hoặc https://kinhteyte.vn khi phát hành lại thông tin
Điện Thoại: 089.996.0000

 

* Phiên bản chạy thử nghiệm chờ cấp phép