Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ Y tế Ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định số thứ tự 12 – bệnh do phế cầu thuộc Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vaccine và lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như sau:
TT | Các bệnh truyền nhiễm | Vaccine, đối tượng, lịch tiêm chủngtrong Chương trình tiêm chủng mở rộng | ||
Vaccine | Đối tượng | Lịch tiêm/uống | ||
12 | Bệnh do phế cầu | Vaccine phòng bệnh do phế cầu | Trẻ em | Tiêm lần 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổiTiêm lần 2: ít nhất 2 tháng sau lần 1Tiêm nhắc lại: khi trẻ đủ 12 tháng tuổi |
Theo quy định tại Thông tư số 10/2024/TT-BYT, có 11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vaccine gồm: 1- Bệnh viêm gan virus B; 2- Bệnh lao; 3- Bệnh bạch hầu; 4- Bệnh ho gà; 5- Bệnh uốn ván; 6- Bệnh bại liệt; 7- Bệnh do Haemophilus influenzae týp b; 8- Bệnh sởi; 9- Bệnh viêm não Nhật Bản B; 10- Bệnh rubella; 11- Bệnh tiêu chảy do virus Rota.
Dự thảo nêu rõ, vaccine thuộc Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng bắt buộc phải sử dụng vaccine và lịch tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai toàn quốc cho trẻ em, phụ nữ có thai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với vaccine phòng bệnh do phế cầu, phạm vi triển khai theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/08/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030; nguồn lực của trung ương và địa phương.
Về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030, theo Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/08/2022 của Chính phủ, đưa vaccine phòng bệnh do virus Rota từ năm 2022, vaccine phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030…
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ